Lạc cảnh Đại Nam Văn hiến: Niềm tự hào của người Bình Định

Lạc
cảnh Đại Nam Văn hiến là khu du lịch của người Bình Định được xây dựng
trên đất Bình Dương từ năm 1999; vừa tổ chức khánh thành giai đoạn I
vào ngày 11 tháng 9 năm 2008.


Một góc khu du lịch Đại Nam.


Đậm nét văn hóa lịch sử

Khu
du lịch Đại Nam được xây dựng ở ấp 1, xã Hiệp An, thị xã Thủ Dầu Một,
tỉnh Bình Dương, chính thức hoàn thành giai đoạn 1 và đưa vào sử dụng
với diện tích 261ha (trong tổng diện tích 450ha). Công trình thâu tóm
vẻ đẹp của nhiều miền trên cả nước: Điện thờ, biển, hồ, sông, núi,
tường thành cùng khu sở thú hội tụ đủ các loài quý hiếm. Nét kiến trúc
tinh xảo về chạm trỗ, điêu khắc thời Lý được thể hiện trong mỗi chi
tiết, hoa văn trong đền thờ Đại Nam quốc tự rộng 5.000m2. Đại Nam quốc
tự gồm 2 tầng: Tầng trệt trưng bày hiện vật và truyền thống lịch sử 4
ngàn năm văn hiến của dân tộc Việt Nam. Tầng thờ tự ở trên ghi nhớ về
công sinh thành dưỡng dục của cha, mẹ; Phật pháp; các anh hùng dựng
nước, mẹ Âu Cơ và Bách gia trăm họ. Tham quan Điện thờ, thắp nén nhang
thơm tưởng nhớ, tâm linh chúng ta như toàn ý hướng về công đức tổ tiên
bởi sự hoành tráng của công trình với tượng Bác Hồ, tượng vua Hùng,
Phật tổ được dát vàng 24K. Trên các bức tường gỗ, nhiều hình ảnh sơ
khai từ thời dựng nước, giữ nước của các đời vua, các trận đánh lịch sử
thời chống Pháp, chống Mỹ được tái tạo bằng những hình ảnh sinh
động-nét khác biệt độc đáo giữa đền thờ Đại Nam và cung đình Huế. Phía
sau đền thờ là dãy Bảo Sơn gồm 5 ngọn núi liên hoàn, mà theo anh Lộc
(hướng dẫn viên-cán bộ Công ty cổ phần Đại Nam) cho biết: Núi Bảo Sơn
cao 65 mét dài 250mét (thường gọi là Ngũ Hành sơn) và là núi nhân tạo
cao nhất hiện nay. Chủ nhân của công trình còn có ý tưởng độc đáo là
thiết kế những thiết bị tạo hơi sương (độ ẩm) và cột âm thanh (tiếng
động) để dẫn dụ các đàn chim yến về đây xây tổ. Từ ngọn núi trung tâm
của Bảo Sơn nhìn ra hướng Nam, sừng sững vươn lên trời cao là ngọn Bảo
tháp gồm 9 tầng dùng làm nơi thờ phụng, thể hiện sự ngưỡng mộ và tôn
vinh đối với các bậc tiền nhân. Vào đây, khách tham quan như bị choáng
ngợp và nể phục sự giàu có cũng như nét tinh tế của chủ nhân bởi nghệ
thuật trang trí của ngôi Bảo tháp là truyền thống sơn son thếp vàng của
triều đại phong kiến xưa. Mỗi tầng tháp được dùng thờ phụng với ý nghĩa
riêng. Như tầng thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, tầng thờ Đức Thánh vương Trần
Hưng Đạo, thờ 18 đời vua Hùng có công dựng nước, thờ Gia tiên…

Cũng
theo anh Lộc, thì khu du lịch Đại Nam đã và đang tiến hành xây dựng
giai đoạn 2 với diện tích khoảng 190ha. Trong đó một số công trình đã
hoàn thành như Hồ Bán Nguyệt trước cổng vào Đền thờ. Hồ gồm một trụ
nước chính phun cao 27mét hình búp sen và 54 cột nước tượng trưng cho
54 dân tộc anh em thủy chung, đoàn kết trong cùng ngôi nhà Việt. Khu
toàn cảnh Việt Nam thu nhỏ rộng 30ha phản ánh thành tựu nổi bật của 64
tỉnh thành trong cả nước, thể hiện qua 64 căn nhà biểu tượng của mỗi
tỉnh. Khu thu nhỏ của các kỳ quan thế giới như Vạn lý trường thành,
tháp Eiffel, cung điện hoàng gia Capital, điện Kremli, đền Ăngko nổi
tiếng v.v…Dẫn đoàn tham quan vườn bách thú rộng hơn 82.000m2 đang xây
dựng dở dang, với hàng trăm loại thú quý hiếm từ cọp trắng đến tê giác,
ngựa vằn, beo, trăn…, các loại chim trong sách đỏ mà chúng tôi chưa
từng thấy qua, anh Lộc cho biết: phần lớn các loại thú được mua và
chuyển về từ các rừng nguyên sinh của các nước trên thế giới. Hồ Ngọc
Bích, Mê cung Rồng Xanh, biển nhân tạo rộng 22ha và hơn 5.000 phòng
nghỉ được xây dựng phía dưới của tường thành theo lối kiến trúc Cổ Loa,
Huế… đang từng bước được hoàn thiện.


Anh Huỳnh Uy Dũng (bìa trái) cùng nhóm bạn người Bình Định.


Và đậm chất Bình Định

Doanh
nhân Huỳnh Uy Dũng, người quê ở xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, tỉnh
Bình Định, đã từng là lính Cụ Hồ tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới
Tây Nam của Tổ quốc. Và, dù hiện đang là nhà doanh nghiệp nổi tiếng của
tỉnh Bình Dương nhưng trong anh luôn hướng về quê hương Bình Định.
Những đợt hoạt động từ thiện giúp trẻ em nghèo vượt khó, học giỏi, xây
dựng quỹ khuyến học, khuyến tài…, Bình Định luôn là địa chỉ đỏ trong
anh. Tại các khu công nghiệp và các doanh nghiệp do anh phụ trách, số
lượng người lao động quê Bình Định chiếm phần lớn. Anh luôn nhắc đi,
nhắc lại với bộ phận bảo vệ khu du lịch Đại Nam: khách tham quan nếu là
học sinh, sinh viên người Bình Định thì được ưu tiên vào cổng miễn phí.

Đi
xa, gặp người cùng quê đã là điều đáng quý. Lại được dạo chơi, tham
quan thắng cảnh nhân tạo nổi tiếng của cả nước – một công trình tôn
vinh, vọng ngưỡng văn hóa Việt do chính người xứ “Nẫu” tạo nên; nghe du
khách trầm trồ khen ngợi sự táo bạo và óc sáng tạo của người Bình Định
trong việc xây dựng khu du lịch Đại Nam, trong tôi lâng lâng niềm vui
khó tả: mình đang là người Bình Định.

6 kỷ lục của khu du lịch Đại Nam Văn hiến

1.
Khu du lịch có diện tích lớn nhất Việt Nam (450ha) với tham vọng thể
hiện vẻ đẹp của sơn hà xã tắc, có ý nghĩa về văn hóa lịch sử và tâm
linh. Khu có cả biển, hồ, sông, núi và tường thành không thua gì Tử cấm
thành Trung Quốc.

2. Bức tường thành bao bọc gắn với hệ thống
khách sạn dài 13,5km, với 5.000 phòng nghỉ từ bình dân đến cao cấp khi
được xây dựng hoàn tất sẽ được ghi tên vào Guiness thế giới về khách
sạn có chiều dài dài nhất.

3. Cột cờ có hình dáng đài sen cao
9m, có thể được xem là cột cờ cao nhất Việt Nam. Trụ cờ có hình Long
đầu trượng, biểu tượng của sự thanh cao và quyền quý.

4. Đền thờ Đại Nam quốc tự rộng 5.000m2 được xây dựng theo kiến trúc cổ, được xem là đền thờ rộng lớn nhất hiện nay.

5.
Núi Bảo Sơn trong khu du lịch Đại Nam dài 250mét, gồm 5 ngọn: Kim, Mộc,
Thủy, Hỏa, Thổ với ngọn núi trung tâm cao 6,8mét là ngọn núi nhân tạo
lớn nhất Việt Nam (tính đến thời điểm hiện nay).

6. Biển nhân
tạo với diện tích 22ha, được xem là biển nhân tạo lớn nhất Việt Nam có
thiết bị tạo sóng và nước biển có nồng độ ổn định như nước biển thật,
phục vụ cho hơn 30.000 du khách đến đùa vui.

(BinhDinhFFC.com)

Bài này đã được đăng trong Xây dựng thương hiệu. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Bình luận về bài viết này